Anh Thao

Anh Thao

Bộ Xây dựng sắp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý cho thị trường Bất động sản

Trước thực trạng nguồn cung bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng bởi thủ tục pháp lý, đại diện Bộ Xây dựng tiết lộ nhiều văn bản quan trọng góp phần tháo gỡ vấn đề này sắp được ban hành.

Tại hội thảo "Bất động sản Việt Nam, bình thường mới, nhu cầu mới, xu thế mới" được tổ chức chiều 6/10, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cung cấp một số thông tin và nhận định thêm về thị trường địa ốc trong thời gian tới.

Trong đó, ông nhấn mạnh nguồn cung trên thị trường sẽ vẫn khó khăn, nhiều dự án đang vướng vấn đề pháp lý và phải giải quyết trong thời gian dài.

Thủ tục pháp lý ảnh hưởng nguồn cung BĐS

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, hai năm qua, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam là một trong những điểm sáng về BĐS. Nếu quan sát có thể thấy trong giai đoạn dịch không phải tỉnh nào cũng tăng trưởng âm. Điển hình như Vĩnh Phúc, Hải Phòng vẫn tăng trưởng 14%. Do đó đầu tư BĐS vẫn còn nhiều kỳ vọng mặc dù các vấn đề về pháp lý, đất đai, luật kinh doanh BĐS còn nhiều vấn đề cần phải bổ sung, chỉnh sửa.

Đồng quan điểm với ông Thành, chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ cho biết, từ trước khi COVID – 19 bùng phát, thị trường BĐS đã "trục trặc" về khung pháp lý. Đầu tiên là khung pháp lý cho BĐS du lịch, nghỉ dưỡng chưa ổn. Thứ hai là vấn đề về Luật Đất đai chưa được giải quyết. Ngoài ra, ông Võ cho rằng cần chú trọng yếu tố thông tin bởi nếu không có thông tin, các nhà đầu tư không thể dự báo để bắt tay vào phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thì nhận định: Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, thị trường bất động sản có trầm lắng nhưng chỉ một thời gian nhất định và đến khi được cởi trói lập tức bật tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, trong quý 3/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạn giao dịch  ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Dù thực tế nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm, nhất là các nhà đầu tư F0.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, mặc dù thị trường chịu ảnh hưởng của COVID -19 nhưng giao dịch BĐS trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn khá tốt, khi có 55.000 giao dịch trên cả nước, cùng kỳ năm 2020 có 43.000 giao dịch. Mức độ quan tâm của thị trường với BĐS vẫn khá cao. Một số phân khúc, loại hình BĐS vẫn tăng giá.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, trong số gần 5.000 dự án BĐS được triển khai. Bên cạnh những dự án hoàn thành thì còn hàng nghìn dự án đang triển khai, trong số đó có nhiều dự án gặp vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý và thời gian chờ giải quyết rất lâu. Bất cập này khiến cho việc phát triển các dự án mới gặp không ít khó khăn.

Tháo gỡ rào cản pháp lý

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, sau 4 đợt dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách đặc biệt gây khó khăn di chuyển, hàng loạt dự án bị dừng thi công, trong khi đó giá cả vật liệu xây dựng leo thang. Điều đó dẫn đến việc nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng dần.

"Trong năm nay, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh Bất động sản và nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Chúng tôi dự báo 2 văn bản này sẽ tác động rất lớn đến thị trường", ông Khởi nói.

Về lâu dài, ông Khởi cũng cho biết Quốc hội sẽ sửa Luật Đất đai năm tới. Song song, Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. "Sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện, chúng tôi dự báo thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn", ông Khởi chia sẻ.

Nói thêm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng nếu vấn đề pháp lý được giải quyết, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng nhanh, thị trường bất động sản vốn đang tốt sẽ ngày càng tốt hơn.

Dẫn chứng, ông cho biết trong 9 tháng đầu năm, cho vay nhà ở của hệ thống ngân hàng tăng rất tốt, khoảng 9-10%, dư nợ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Riêng cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản là 700.000 tỷ đồng.

Hết 9 tháng, có khoảng 5.400 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Số này đăng ký vốn khoảng 343.000 tỷ, tạo ra 35.000 việc làm. Trong khi đó, có khoảng 1.000 doanh nghiệp trở lại làm việc.

(tổng hợp)

0

Bình luận

Nội dung thông báo