Anh Thao

Anh Thao

Chẳng phải bỗng dưng cây sả lên ngôi mùa dịch

Nồi nước để xông cảm thông thường bên cạnh đủ loại lá thì không thể thiết gùi lá sả với củ đập dập. Mở nắp nồi nghe mùi xông lên đã nhẹ hẫng người.

Sả là loại cây dễ trồng nhất, chỗ đất chưa dự định trồng gì thì trồng sả, đất đầu thừa đuôi thẹo bỏ hoang thì cũng đem bụi sả, tách từng tép, dúi xuống, rồi cho ít nước tưới tắm một vài lần, là lên.

Sả là loại cây cải tạo đất, đất xấu, khô cằn chưa trồng gì được thì trồng sả; thả vậy đó rồi nó tự lớn, nhờ nước trời, hay khô hạn quá thì tưới tắm xíu, không đòi hỏi, không mè nheo gì mà lên từng búi to. Rồi cũng bụi sả đó, thu hoạch, cắt gốc rồi chia tách, dúi xuống, thành cả vườn sả lúc nào không hay.

Sả dễ trồng, lại có nhiều công dụng. Ảnh: LƯU BÌNH

Đầu tiên trồng sả với ý định vườn có sả sẽ bớt rắn rít, rắn kỵ mùi sả, nó lánh. Với nắng hạn và đất khô, củ sả lại hợp, củ sả chắc mà nhỏ, tim tím, và thơm đậm tinh dầu sả. Lội trong vườn đã nghe thơm mùi từ lá. Mà sả thì dùng đủ món; mùa dịch sả lại được tiếng thơm, nhà nhà đều dùng, ai ai cũng dùng.

Nồi nước để xông cảm thông thường bên cạnh đủ loại lá thì không thể thiết gùi lá sả với củ đập dập. Mở nắp nồi nghe mùi xông lên đã nhẹ hẫng người.

Sả còn là món gia vị có rất nhiều trong món ăn Việt; gần như rất nhiều, các món nấu nhựa mận, nấu ráo, ướp với thịt làm món nướng khoái khẩu. Rồi món ngày bao cấp đi học được mẹ gói ghém gửi vào là món thịt ruốc sả, nhớ miết.

Cây sả mùa nào cũng dùng đâu phải đợi mùa dịch

Hay như món bún bò Huế, giá mà không có sả thì tôi nghĩ không thành hồn cốt món bún bò Huế chứ không phải là thiếu món ruốc như xưa từng nghĩ; món bún bò Huế có thể thiếu ruốc, không sao; chứ không thể thiếu sả. Nồi bún bò các mẹ Huế đúng chuẩn, phải có chùm sả to, cột chặt trôi nổi trên nồi váng màu đỏ cùng với mấy miếng huyết vuông vức, khuyến mãi thêm mấy miếng mỡ bò vàng vàng màu mỡ gà, nhìn đã thấy thèm.

Bây giờ thì dùng sả cả ngày, đủ món. Vài tép sả đập tươi cho vào bình nước làm nước uống, nước sả gừng, món của mùa dịch. Mấy hôm nay không còn gừng để mua và sả thì nghe đâu đã lên giá 50.000 đồng một ký. Tin tức lan nhanh thật, mới sáng sớm đang lúi húi với mấy bụi hoa đã nghe tiếng mấy người phụ nữ í ới từ ngoài ngõ, bán sả không mua luôn cả vườn, là mua bộ, mua hết vạt sả đang lớn; người mua tự thu hoạch.

Sả chẳng bỏ gì, lá sả thả vào nồi to, nấu sôi lên, mùi thơm bay khắp nhà, nghe như được khử khuẩn, thông mũi, dể chịu, cảm giác an toàn sao sao á, thật đó. Mùa dịch ai cũng hỏi sả, ai cũng muốn có bó sả trong nhà, để nấu nước uống, để khử khuẩn, như mọi người vẫn bàn tán với nhau trong mùa dịch. 

Mấy búi sả, ít vỏ bưởi, nắm bồ hòn ngâm với hai lít nước lạnh để qua đêm, nấu sôi để nguội, cho ít bột quế là đã có thứ nước rửa chén “organic” tốt cho sức khỏe. Rồi cũng với một công thức đơn giản trên, sả, vỏ bưởi sao trên bếp cho thơm, thêm ít bồ kết nấu sôi lâu lâu, để nguội, lọc vắt là có món nước gội đầu không thể dầu gội đầu nào tốt hơn.

Mấy năm nay tôi đã dùng dầu gội đầu và nước rửa chén bằng những sản phầm tự pha chế như thế.

 Nay có nhiều thiết bị hỗ trợ cho các bà nội trợ rất nhiều, như cái nồi chiên không dầu là một tiện ích, dùng để sao các loại vỏ bưởi, sả,… thì dể dàng và nhanh chóng, chỉ việc bỏ vào nồi và ấn nút là đã có ngay một mẻ sả và bưởi thơm lừng khắp nhà. Các cô cháu gái được gội đầu bằng nước xà phòng tự chế hỏi ngoại, xà phòng ngoại pha chế bằng dược liệu trên vườn hả, thơm quá. Mà thật vậy, tóc bé thơm quá, gội xong là cứ muốn hít hà. /.

Theo Lưu Bình/PLO

0

Bình luận

Nội dung thông báo