An An

An An

Chỉ kêu cứu khi cần!

Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, tín hiệu SOS đang phần nào bị lạm dụng, sử dụng không đúng với mức độ, hoàn cảnh vốn có.

Những ngày gần đây, mọi người thường lan truyền, kêu gọi nhau mở ứng dụng Zalo Connect để gửi yêu cầu tiếp tế, tư vấn y khoa hoặc xem người cần giúp đỡ quanh mình. Sau khi bật định vị điện thoại, tôi mở ứng dụng và thấy xuất hiện trên màn hình chi chít biểu tượng “người cần giúp đỡ”. Mỗi vị trí như vậy được quy ước đánh dấu bằng biểu tượng như quả bóng bay màu cam (chưa được trợ giúp) hoặc màu xanh (đã được trợ giúp).

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến một kỷ niệm khó quên xảy ra cách đây ít ngày. Người chị thân thiết của gia đình tôi và chồng (định cư ở TP.HCM) bị nhiễm Covid-19, phải điều trị dài ngày trong tình trạng bệnh viện quá tải, các y bác sĩ dốc lòng, dốc sức cùng bệnh nhân chiến đấu dành lại sự sống. Bấy giờ, tôi chỉ ước giá mình được sống gần những người thân yêu thì chỉ cần thông qua một ứng dụng như Zalo connect với một quả bóng màu cam phát ra tín hiệu, biết đâu tôi sẽ kịp thời chung tay, góp sức.

Dịch bệnh hiểm nguy đã quá rõ rồi, nhưng khi phải nghe tin một người thân yêu bị nhiễm, còn mình lại không thể làm gì hơn ngoài việc nghe ngóng tin xa, đó là sự tuyệt vọng, day dứt đến khó tả.

Vậy chúng ta nên làm gì tại thời điểm này? Phải chăng là cần mở rộng tấm lòng yêu thương, trách nhiệm cộng đồng để vừa tích cực phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ một cách tốt nhất cho những người xung quanh mình, gần mình nhất. Quan sát việc làm thiện nguyện của mọi người, tôi thấy đó không còn là suy nghĩ cá nhân, hầu hết số đông đều ý thức, hành động một cách tận tâm.

Click vào từng biểu tượng chưa được trợ giúp, từng hoàn cảnh, số phận hiện lên màn hình qua vài dòng mô tả ngắn gọn, tôi thấy cả xã hội thu nhỏ với bao lo toan, nhọc nhằn ở đó. Có xóm thợ phụ hồ vài tháng nay thất nghiệp không lương thực, thuốc men; có em bé mới học tiểu học rất lễ phép trình bày việc bố qua đời, mẹ có gia đình mới, em ở với bà, vì dịch bệnh bà đã mất việc làm thêm nên hai bà cháu xin chút gạo; nhiều sinh viên kiên quyết khẳng định bản thân chưa cần tới sự giúp đỡ về vật chất, gửi xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và khẩn thiết mong được kết nối việc làm thêm…

Những dòng tên chưa đầy đủ, những bức ảnh chưa thật rõ… nhưng đôi dòng miêu tả cũng toát lên phần nào hoàn cảnh, tính cách và cả lòng tự trọng của con người, dù trong đói khổ. Cũng bởi lẽ đó, tôi thường chia sẻ với các cộng sự của mình trong hành trình hỗ trợ người dân, rằng việc xác minh đúng người, đúng hoàn cảnh là cần thiết nhưng cần thực hiện một cách tế nhị, nghĩa tình, không để ai cảm thấy tổn thương thêm trong tình hình chung vốn đã khó trăm bề.

Song, bên cạnh những hoàn cảnh éo le, một lần trợ giúp thôi không thể đủ, mọi người kín đáo đánh dấu lại mốc thời gian để còn trở lại thì cũng có những tình huống thật khó nói.

Người phụ nữ ăn mặc hợp thời nhìn gói quà cứu trợ từ thành viên đội thiện nguyện thoáng chút thất vọng: “Chị đã ghi rõ là cần dầu ăn, sữa và rau xanh. Ở đây chỉ có mấy cân gạo, làm sao đủ để cầm hơi?”. Thành viên chưa kịp giải thích thì thấy một người từ kênh khác nắm bắt được hoàn cảnh trên ứng dụng nên vừa đi xe tới, giữ khoảng cách với hai người còn lại, để túi quà lớn ở vị trí thuận tiện, giọng hơi băn khoăn: “Chị cho em hỏi, đây có phải nhà bác X, đăng tin vào nhóm Y về hoàn cảnh nhà có 5 người đang thiếu bữa không ạ?”, -“Phải rồi em, em để đấy chị sẽ nhận quà nhé!” Giọng người phụ nữ đã vui trở lại khi thấy túi quà thứ hai được chuyển đến, đứa con nhỏ trong nhà ríu rít chạy ra gọi mẹ với chiếc điện thoại đời mới trên tay.

Hai thành viên đến từ hai nhóm thiện nguyện bần thần nhìn nhau, nhìn lại căn nhà và lặng lẽ rời đi. Trên hai chiếc xe còn trĩu nặng những túi quà cần mang đến thật nhanh sau những lời kêu cứu.

“Có nhiều tình huống đặc biệt hơn chúng ta nghĩ. Người chưa khó khăn vẫn đăng tin cần hỗ trợ; một người đăng tin nhiều lần, ở các địa điểm cách nhau vài chục mét với tên khác nhau; có người nhất định không nhận hàng quà mà đòi phải chuyển tiền vào tài khoản…”, tin nhắn của các thành viên nhóm cứu trợ khiến những người đang làm công việc giúp đỡ, sẻ chia phải chùng lòng.

Tất nhiên, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không đại diện cho số đông hoàn cảnh đang bất lực, khổ sở… nhưng khi mỗi gói quà, mỗi chuyến xe thẳng hướng đến một tình huống chưa tới mức cần nhận giúp đỡ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã nhỡ đi một hoàn cảnh cần hơn. Biết đâu, trong số đó có những cụ già mắt mờ chân chậm không biết cách sử dụng ứng dụng kêu cứu trên điện thoại thông minh; có những em bé xa cha mẹ đói cơm khát sữa; những người tự trọng cứ mãi băn khoăn hoàn cảnh của mình đã nên gửi tin nhắn xin trợ giúp chưa, dù bản thân đã nhịn đói qua vài bữa…

Cũng trên ứng dụng đồng dạng kiểu Zalo Connect, ta có thể bắt gặp những cái tên, hình ảnh hơi chướng mắt, những lời đề nghị thật khó nghe. Chính xác đó là lời đề nghị, không phải xin trợ giúp. Đề nghị chuyển tiền vào tài khoản, đề nghị mọi người chỉ gửi những món đồ mình muốn… Cũng phải nói thêm, tôi nhận thấy hầu hết các nhóm hỗ trợ người dân nếu có xác minh hoàn cảnh thì cũng đều trao hết số quà đã chuẩn bị. Ở bối cảnh hiện nay, chẳng ai nỡ tranh luận hay mang về. Nhưng chút băn khoăn hoặc nỗi buồn nếu có sau mỗi chuyến đi vẫn còn đọng lại, có người ghi vào nhật ký, người đánh dấu để lần sau không trở lại, người tự nhủ hãy quên đi, còn bao nhiêu số phận cần mình phía trước.

Các ứng dụng ra đời thật kịp thời, hữu ích, song, có lẽ gom tất cả ứng dụng lại vẫn không đủ tìm cho hết các hoàn cảnh cần trợ giúp. Chúng tôi luôn trăn trở trước câu hỏi: Có bao nhiêu người đang khẩn thiết cần hỗ trợ mà không thể phát đi tín hiệu? Đó có thể là ai? Và rồi tôi giật mình, tôi nhớ tới những người thân của mình.

Cha mẹ tôi, những người cả đời không biết tới chiếc điện thoại thông minh, sống xa con cái, hàng xóm láng giềng về khoảng cách địa lý… Khi đó, điều gì sẽ mang con người lại gần nhau hơn, giúp nhận được những tín hiệu không thông qua ứng dụng kỹ thuật? Ta có thể hình dung như sự linh cảm từng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta về một người thân, hoặc một người dưng mà sự việc xảy ra hệt trong ý nghĩ. Có lẽ, đó phải là một luồng sóng, luồng điện từ thẳm sâu, vô hình nhưng luôn nhói sáng hình thành trong những trái tim đủ lớn để ôm trọn niềm yêu thương, che chở, nghĩ suy./.


Theo nhà thơ Lữ Mai/Reatimes

0

Bình luận

Nội dung thông báo