Hường Nguyễn

Hường Nguyễn

Nhiều cửa hàng “vùng cam” ở Hà Nội đóng cửa, trả mặt bằng nghỉ Tết sớm

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều cửa hàng ở các quận "vùng cam" trả mặt bằng để cắt lỗ hoặc đóng...

Hà Nội - Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều cửa hàng ở các quận "vùng cam" trả mặt bằng để cắt lỗ hoặc đóng cửa nghỉ Tết sớm. Một số nhà hàng ăn uống được bán tại chỗ thì vẫn cố gắng bám trụ nhưng doanh số ảm đạm.

Cố gắng bám trụ

Ghi nhận của phóng viện Báo Lao Động trong những ngày đầu năm 2022, tại nhiều con phố ở các quận "vùng cam" như Long Biên, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… nhiều cửa hàng đã treo biển ngừng kinh doanh, trả mặt bằng. Một số cửa hàng ăn uống, nếu vẫn hoạt động thì chỉ cố gắng cầm cự, khi doanh số bán mang về chỉ bằng 1/3, 1/4 doanh số bán tại chỗ, không đủ tiền nguyên vật liệu.

Anh Xuân Hòa (40 tuổi) mở một quán ăn trên đường Trần Phú (quận Ba Đình) đã 10 năm nay. Anh Hòa kể, tình hình dịch bệnh căng thẳng, không bán được hàng nên trong năm 2021, anh đã phải đóng cửa quán 8 tháng. 

Quán của anh Hòa mới mở lại 1 tháng thì từ ngày 26.12 chỉ được bán mang về do quận Ba Đình trở thành "vùng cam". 

“Chi phí mặt bằng là 20 triệu một tháng, mà gần như không bán được gì trong một năm trở lại đây. Chủ nhà có bớt được cho đồng nào thì đỡ được đồng đấy”, anh Hòa nói.

Anh Hòa cho hay, hợp đồng tiền nhà 6 tháng anh đã đóng, giờ chỉ biết cầm cự thêm một thời gian xem tình hình thế nào. Đến khi đáo hạn hợp đồng nhà, nếu tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt thì bắt buộc phải trả mặt bằng chứ không thể "gánh" thêm được nữa.

Quán anh Hòa rất ít khách đến mua từ khi có thông báo bán mang về. Ảnh: PV.
Anh Hòa đang cố cầm cự đến khi hết hợp đồng thuê nhà. Ảnh: PV.

“Mong sao số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm xuống, bởi vì Tết đến nơi rồi mà buôn bán kinh doanh trì trệ như thế này thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của gia đình”, anh Hòa nói.

Phải trả mặt bằng để cắt lỗ

Không thể cầm cự được như quán của anh Hòa, trước áp lực về việc bù lỗ cho tiền mặt bằng, nhiều chủ cửa hàng đã lựa chọn đóng cửa, tìm hướng kinh doanh mới.

"Thời điểm này năm ngoái, chúng tôi nhập về rất nhiều lô quần áo về để bán Tết. Năm nay dịch liên tục bùng phát nên việc kinh doanh ế ẩm, chủ cửa hàng trả lại mặt bằng, chờ qua năm tính tiếp", anh Đoàn Văn Hậu (29 tuổi), nhân viên shop quần áo trên phố Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể với phóng viên.

Không chỉ ở Hàng Đường, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm khác ở đường Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào (Hoàn Kiếm) hay Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)... cũng rơi vào cảnh đóng cửa, trả mặt bằng.

Cửa hàng trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm) đóng cửa trả mặt bằng. Ảnh: PV.

"Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nguồn tiền trong dân không còn dồi dào nên họ ít mạnh tay mua sắm như trước", anh Nguyễn Thanh Hưng (38 tuổi), chủ một chuỗi cửa hàng thời trang trên phố Hàng Đào lý giải.

Để cắt lỗ, chuỗi thời trang gồm 3 cơ sở của anh Hưng đang cố thanh lý nốt số hàng còn lại để tìm hướng kinh doanh mới. Theo ghi nhận, tại một số tuyến phố chuyên về các cửa hàng thời trang, nhiều cửa hàng treo biển giảm giá từ 50-70% để kích cầu mua sắm.

Trong khi đó, hàng loạt mặt bằng đang bị bỏ trống trên các tuyến phố lớn, dù biển cho thuê đã được treo nhiều tháng và chủ nhà đưa ra mức giảm giá ưu đãi sau mùa dịch.

Nhiều chủ nhà treo biển cho thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: PV.

 Quán cafe này trước đây rất đông khách nhưng mới đây Thanh Xuân thành "vùng cam" chỉ được bán mang về thì chủ quán đã đóng cửa luôn. Ảnh: PV.
Một nhà hàng ăn uống khác trên đường Triều Khúc (Thanh Xuân) cũng đã đóng cửa dù được bán mang về. Ảnh: PV.

"Bình thường mặt bằng kinh doanh tại khu vực giá 30 - 50 triệu đồng, có mặt bằng là tranh nhau thuê. Hiện tại, giá thuê đã giảm gần 50% vẫn khó tìm khách thuê, trên phố Nguyễn Trãi nhiều cửa hàng để không mấy tháng. Bây giờ tôi treo biển tìm người mới để cho thuê với hy vọng kiếm ít tiền tiêu Tết", ông Phan Văn Tuấn, chủ ngôi nhà 3 tầng ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) nói.

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức mua giảm, các cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên trả mặt bằng, còn các cửa hàng ăn uống bán mang về đòi hỏi các chủ cửa hàng phải linh hoạt hơn và tận dụng những phương tiện công nghệ, phương pháp bán hàng tối ưu nhất.

Theo Laodong

0

Bình luận

Nội dung thông báo