Nhật Hạ

Nhật Hạ

Nhìn lại một tháng bùng phát ổ dịch 'nóng' nhất Thủ đô

Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát từ ngày 23/8, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Một tháng qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp, cơ bản kiểm soát được ổ dịch, đến nay không phát sinh các ca trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận đã tổ chức xét nghiệm diện rộng cho hơn 2.000 người dân, đảm bảo 100% công dân khu vực này đều được xét nghiệm

Từ việc hai mẹ con ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đi xét nghiệm tại bệnh viện có kết quả dương tính, được Sở Y tế Hà Nội công bố vào sáng 23/8, đến nay đã có gần 600 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch này. Các bệnh nhân chủ yếu tập trung tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi và khu vực lân cận.

Ngay sau khi có thông tin về trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn, quận Thanh Xuân đã thành lập khu vực cách ly y tế ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi từ 14 giờ ngày 23/8. Khu vực phong tỏa có khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Chính quyền quận Thanh Xuân, phường Thanh Xuân Trung đã chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quan tâm tới đời sống Nhân dân trong khu vực phong tỏa.

Sáng 24/8, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai - Trưởng đoàn kiểm tra số 10 của Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi; đồng thời tặng quà động viên lực lượng đang trực chốt tại đây. Báo cáo với đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, tính đến sáng 24/8, trên địa bàn quận ghi nhận 94 trường hợp F0; trong đó, có 6 F0 vừa được phát hiện tại phường Thanh Xuân Trung. Quận đã tổ chức xét nghiệm diện rộng cho 1.400 người dân trong ngày 23/8 và 700 người dân trong sáng 24/8, đảm bảo 100% công dân khu vực này đều được xét nghiệm.

Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội công bố phát sinh thêm 13 ca Covid-19 trong buổi trưa 24/8; chiều 24/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi. Đồng thời, yêu cầu quận phải điều tra, truy vết kỹ để phòng, chống dịch; thực hiện nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, cách ly người với người; kích hoạt và phát huy hiệu quả tổ Covid cộng đồng trong khu vực phong tỏa.

Hàng tấn lương thực, rau củ đã được các dân quân tự vệ, tình nguyện viên phát miễn phí cho các hộ dân khu vực phong tỏa  

Thị sát ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung sáng 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa, bố trí các chốt trực thành 3 lớp, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, đảm bảo nghiêm giãn cách. Người dân trong khu vực cách ly y tế không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi nhà, không ra khỏi vùng cách ly; đồng thời, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân; huy động sự tham gia của các đoàn thể.

Thời điểm ấy, CDC Hà Nội dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung rất cao. Qua kết quả điều tra, truy vết đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh. Chùm ca bệnh mới này đã xuất hiện trong một thời gian, hiện đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở phường Văn Chương, hay phường Văn Miếu (quận Đống Đa).

Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Thanh Xuân Trung - nơi đang là "điểm nóng" về dịch của Thủ đô. Thủ tướng dành thời gian kiểm tra, động viên lực lượng tổ Covid cộng đồng đang làm nhiệm vụ; hỏi chuyện shipper, một số nhà dân, chủ cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu.

Tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã gọi điện trực tiếp tới các số điện thoại đường dây nóng để kiểm tra mức độ đáp ứng về nhu cầu thiết yếu và nhu cầu y tế của người dân tại cơ sở. Đồng thời, có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo TP Hà Nội tại đầu cầu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Cuộc làm việc cũng được kết nối trực tuyến tới gần 600 điểm cầu phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm, động viên các thành viên tổ Covid cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung chiều 31/8. Ảnh: Nhật Bắc  

Phát biểu tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, biểu dương TP trong suốt thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà Thủ tướng và Đoàn công tác ghi nhận từ thực tế. Phường Thanh Xuân Trung - nơi "nóng" nhất Hà Nội về dịch Covid-19, nhưng đang thiếu người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch.

Ngày 2/9, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức công bố Quyết định điều động, chỉ định cán bộ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Hải. Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Xuân Hải cho biết sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, sẽ dồn sức xử lý "điểm nóng" ổ dịch trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai các giải pháp khẩn cấp trong phòng chống dịch tại khu vực phong tỏa để xử lý triệt để ổ dịch, giảm nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng. Từ đêm 1/9 đến 3/9, UBND quận Thanh Xuân đã đưa 1.164 công dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức An ninh - Quốc phòng (Đại học Quốc gia Hà Nội). Phần lớn các hộ dân đều hiểu, chia sẻ với chính quyền trong thời điểm khó khăn dịch bệnh.

Hơn 100 người còn ở lại trong vùng lõi của "ổ dịch" cũng được cách ly và áp dụng các biện pháp y tế theo quy định. Những người ở lại phần lớn là người già yếu, bệnh nền, phụ nữ mang thai có bệnh và những người ở lại để chăm sóc người đặc biệt yếu. Khi ở lại, tất cả đều có đơn cam đoan thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà; đồng thời được đội ngũ y tế vào khám để xác định mức độ bệnh lý. Quận cũng triển khai khử khuẩn, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC, bảo vệ tài sản của Nhân dân trong khu vực phong tỏa.

Từ đêm 1/9 đến 3/9, UBND quận Thanh Xuân đã đưa 1.164 công dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức An ninh - Quốc phòng (Đại học Quốc gia Hà Nội)  

Sáng 5/9, cùng với học sinh cả nước chào đón năm học mới 2021-2022, nhiều học sinh tại "tâm dịch" phường Thanh Xuân Trung đã dự một lễ khai giảng đặc biệt trong khu cách ly. Cô Trịnh Hồng Vân - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết, toàn trường có 16 học sinh F0, 12 học sinh F1 và 20 học sinh di chuyển chỗ ở cùng gia đình lên ký túc xá Đại học FPT. Các giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ, gọi điện đến từng phụ huynh để nắm bắt thông tin và có hình thức hỗ trợ các con học tập kịp thời. Đối với những học sinh F0, phải tập trung điều trị trong bệnh viện không có điều kiện học tập, nhà trường sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh sau khi trở lại.

Chiều 6/9, Đoàn lãnh đạo quận Thanh Xuân đã đến 2 khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Thạch Thất; thăm hỏi, động viên Nhân dân ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi đang cách ly tập trung tại đây. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 quận đã gửi Thư cảm ơn Nhân dân khu vực phong tỏa phường Thanh Xuân Trung ủng hộ, đồng hành cùng quận trong công tác phòng, chống dịch. Bức thư nêu rõ: "Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân. Rất mong Nhân dân đồng hành, chủ động khắc phục khó khăn và chia sẻ với lực lượng chức năng tại khu cách ly tập trung".

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, để ổn định đời sống của Nhân dân trong khu vực cách ly, quận đã phối hợp với Ban Chỉ huy Điều hành các khu cách ly của TP chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt và tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân. Tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, quận đã chủ động phối hợp các sở, ngành và huyện Thạch Thất triển khai lắp đặt hệ thống mạng wifi nhằm phục vụ sinh hoạt, học tập và làm việc trong khu cách ly. Đồng thời, báo cáo TP, phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các điều kiện để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân đang thực hiện cách ly tập trung.

Trong 2 ngày 23-24/9, gần 100 công dân ngõ 328-330 Nguyễn Trãi đã được các lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đón từ khu cách ly ký túc xá Đại học FPT trở về. Đây là những người dân đã hết thời gian cách ly 21 ngày, đảm bảo đủ các điều kiện được kết thúc cách ly và sắp xếp được nơi ở khác (do ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi chưa dỡ bỏ phong tỏa)  

Từ ngày 23/9, các công dân ngõ 328-330 Nguyễn Trãi đã được các lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đón từ khu cách ly tập trung về Trung tâm VHTT&TT quận Thanh Xuân. Trong 2 ngày 23-24/9, quận đã đưa gần 100 người rời ký túc xá Đại học FPT. Đây là những người dân đã hết thời gian cách ly 21 ngày, đảm bảo đủ các điều kiện được kết thúc cách ly và sắp xếp được nơi ở khác (do ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi chưa dỡ bỏ phong tỏa, dự kiến phong tỏa đến hết ngày 28/9). Người dân chủ động về nơi ở đã đăng ký, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày và thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống dịch theo quy định.

Dọc tuyến đường Nguyễn Trãi thuộc địa phận phường Thanh Xuân Trung, cả một đoạn đường dài hiện vẫn chằng dây, chăng biển khu vực cách ly, gồm các ngõ 328-330-332 đường Nguyễn Trãi, từ số nhà 326 đến dãy nhà số 328 và dãy nhà số 332. Người dân đang chờ mong đến ngày "giải phóng" sau một thời gian dài đồng hành cùng chính quyền chống dịch.

Chị Trần Thị Liễu, sống trong khu vực phong tỏa phường Thanh Xuân Trung chia sẻ: "Sống trong khu vực phong tỏa, chúng tôi mới cảm nhận được nguy cơ rình rập của dịch bệnh, từ thói quen sinh hoạt hàng ngày cho đến giao tiếp ngoài xã hội. Từ đó, nâng cao ý thức, thấu hiểu, thông cảm hơn với những quyết sách của chính quyền. Thời gian phong tỏa với đời người không phải là dài nhưng là khoảng thời gian nhiều cư dân lúc nào cũng phải sống trong lo lắng và thấp thỏm với câu hỏi: "Liệu nhà mình có bình an?" "Bình an" là từ khóa mà người dân ở đây luôn cầu mong cho gia đình mình và các F0 trong ngõ đang chiến đấu với virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện".

Theo kinhtedothi

0

Bình luận

Nội dung thông báo