Nhật Hạ

Nhật Hạ

Những quán hàng mong nhớ

Đôi khi, trong bối cảnh này, đi giữa phố quen vắng thưa hàng quán, tôi vẫn thường tự hỏi: Những con người, những câu chuyện ấy giờ nơi đâu?

Trong trạng thái bình thường trở lại, nỗi nhớ niềm thương còn trở lại nữa không và kỷ niệm có nhạt nhòa sau bao lo toan vất vả?…

Mưa phùn miền Bắc thật khó tả. Vừa mang cảm giác nhẹ nhõm, nhưng cũng nằng nặng đến trĩu lòng, rấm rứt. Đến nỗi, tâm hồn ai đó có lỡ chai sạn rồi cũng chẳng dễ bề nhắm mắt làm ngơ. Tấm màn li ti bụi nước ảo mờ phủ lên phố xá bào mòn bao bút mực thi nhân.

Đi giữa phố mà bâng khuâng nhớ phố. Nhớ con phố cổ ngoằn ngoèo, ngổn ngang lối rẽ. Trà mạn tỏa khói lan man từ quán nước ven đường, dăm người ngồi chụm chân trú ngụ. Nhớ những sợi mưa xám bạc run rẩy như kẻ mộng du. Ở quán trà nho nhỏ, cũ càng trên phố này, trà luôn được bà cụ hãm trong cái ấm đất nung màu đen mun bé bằng nắm tay, chén uống cùng màu và nhỏ tin hin như hạt mít. Vị đắng chát ríu lại nơi đầu lưỡi rồi dần lan tỏa nỗi ấm nồng, ngọt hậu thật sâu.

Ảnh minh họa

Bà cụ bán quán trà hồn hậu tư vấn thêm cho khách lạ: “Nếu chưa quen dạ, cảm thấy xót lòng thì các cô các cậu bách bộ vào sâu bên trong con ngõ thưởng thức món đậu phụ nướng”. Nơi ấy, hàng quán khiêm nhường nhưng vô cùng sạch sẽ. Dăm bộ bàn ghế gỗ kê sát vào nhau. 

Tiết trời mua bụi cộng hưởng thêm vị nồng nàn từ những bìa đậu phụ mơ non mướt mềm của làng Mai Động nổi danh khắp phố bàn cờ. Người bán hàng khéo tay phủ lên bìa đậu dăm hạt muối đã trộn gia vị rồi xếp trên vỉ sắt đặt lên bếp than hoa quạt luôn tay. 

Than hồng đượm, nổ lách tách bắn những tia hoa lửa lung linh. Lật qua lại vài lần, miếng đậu ươm, láng bóng, thơm lừng… được dọn trong một đĩa sứ thô trắng ngà kèm rau kinh giới, vừa ăn, vừa xuýt xoa… Một thức quà vặt cho ngày mưa bụi chất chứa biết bao sự giản dị, khiêm nhường của đất kinh kỳ.

Bây giờ, khi xa Hà Nội, những người bạn phương xa vẫn nhắc tôi mãi về quán hàng và mưa phùn xứ Bắc với niềm xúc cảm rưng rưng và cũng không nguôi hỏi han, Hà Nội, còn bao con phố chập chờn cổ xưa như thế? Câu hỏi kéo tôi quay về kỷ niệm năm nào, ấy là có lần suýt dỗi hờn một người bạn dân Hà Nội gốc khi họ đỗ xe bên vỉa hè phố Huế, đối diện rạp Đại Nam, bảo tôi xuống mua vài chiếc bánh mì. Giữa cơn nắng tháng sáu oi nồng, lúc bữa cơm dẫu thêm canh cua cà pháo chưa chắc đã đưa nổi lưng bát ai lại ghé mua bánh mì, còn phải nối vào cuối hàng người dài dằng dặc chờ đợi. Nhưng chờ đợi rồi mới thấy mọi sự đều có nguyên do.

Nhà thơ Lữ Mai

Đó là một cửa hiệu lâu đời, từ tủ xếp bánh, khay đựng nhân đến chiếc ghế gỗ bà chủ ngồi đều nhỏ nhắn. Bạn tôi kể, đã nhiều năm rồi, quán vẫn nguyên chủ ấy, khách đông nườm nượp cứ việc lặng lẽ xếp hàng. Bà chủ xong công đoạn rạch bánh mì, cho nhân vào, chuyển sang tay khách, mọi người tự tiến đến mặt tủ kính có hai khay đựng muối ớt và sốt cho vào tùy ý. Thi thoảng, chủ quán gọi vọng vào bên trong: “Cho thêm pa-tê nhé”, “Thêm chút lạp xưởng đi”... tức khắc có người nhà mang đồ ra. Thoạt trông, hiệu bánh ấy chẳng có gì đặc biệt. Vẫn là  những chiếc bánh mì vỏ xốp mỏng, bên ngoài giòn rụm bên trong dẻo mềm đặt cạnh khối patê vuông vức phía trên phủ lớp mỡ mỏng trong veo luôn được bàn tay sạch sẽ, mau mắn xắn rất gọn gàng. Song, vì chờ đợi khá lâu nên ai tinh ý bèn nhận ra cả khách hàng lẫn chủ quán đều kiệm lời, nền nã. Họ như quen biết, hiểu nhau từ năm nảo năm nào.

Bánh mì ở đây không phong phú, phì nhiêu với nhiều chủng loại, nhiều nhân và đầy đủ rau sống, dưa góp, nước sốt tràn trề mà gọn gàng bao bọc những lát thịt, xá xíu, lạp xưởng nhiều mỡ, pa-tê mỏng dính thêm lớp bơ thơm lựng phết sâu bên trong lớp ruột bánh mì trắng tinh, mềm ẩm. Đến muối ớt, nước sốt hiệu này cũng thật lạ. Thứ gia vị ấy không hề cầu kỳ, bắt mắt mà tinh tế đến thành thực, nhẹ nhàng. Khách chưa từng thưởng thức bánh của hiệu hoặc người vụng về đôi chút hẳn gặp rắc rối khi nhón trong tay cầm chiếc thìa con con tự rưới xíu xiu gia vị. Nhớ là chỉ một xíu xiu thôi, ban đầu là muối ớt, sau đó là nước sốt, thành hai dải mỏng manh dọc chiều chiếc bánh.

Chẳng riêng gì những vùng miền khác, mà chính ở mảnh đất Hà thành này, bánh mì phố Huế cũng khác mọi phố phường còn lại. Những người già trong gia đình bạn tôi lại nhẩn nha kể về ký ức những năm tháng sau giải phóng Thủ đô, bánh mì có nhân đương nhiên là thức quà xa xỉ khi tất cả nguyên liệu đều chờ phân phối bằng tem phiếu. Hàng bánh mì mà tôi suýt hờn dỗi đứng xếp hàng có từ ngày đó. Bạn tôi cũng lẫm chẫm theo chân người lớn trong nhà ra phố xếp hàng, cặp mắt thơ ngây trông ngóng vào món quà xa xỉ của tuổi thơ. Từ thuở ấy đến tận bây giờ, sáng trưa chiều đều có những hàng dài người nối nhau chờ đợi.

Tất nhiên, Hà Nội còn nhiều hàng bánh mì đặc trưng và thú vị, ăn kiểu tây với trứng ốp la hay kèm sốt vang cũng phổ biến, được ưa chuộng nhưng phong cách nhẩn nha, vừa vặn dường như chỉ còn lại địa chỉ này. Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ bánh mì phố Huế. Cũng như hàng người xếp dài chờ đợi, như bà chủ quán chẳng mưu cầu mở rộng quy mô, quảng cáo thương hiệu, bao năm cứ nhẩn nha rạch bánh, thêm nhân, gọi vọng vào trong nhà... nỗi nhớ của tôi dần dà thêm gần gũi mà sâu nặng.

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

Hương hoa sữa mang theo hương mùa như dịu dàng cứa vào nỗi nhớ nhung, tiếc nuối của con người. Hà Nội vẫn đằm lắng với từng hàng cây, góc phố. Bằng chất giọng Hà thành nhẹ như hơi thở, bà cụ quán nước tình cờ gặp tôi trên phố, vẫn bồi hồi kể cho tôi nghe câu chuyện về những cây hoa sữa già nua mà bấy lâu đóng quán bà chưa kịp ngỏ: “Chỉ một thời gian nữa, mùa hoa kết thúc, từ chùm quả khô dài như đậu đũa, những hạt hoa sữa sẽ tự tách khỏi lớp vỏ xoay đều đều theo gió. Trẻ nhỏ thấy đẹp như giấc mơ. Người già thấy gần như hơi thở…”. Tôi bất chợt hỏi lòng mình, Hà Nội còn những người sống cùng ký ức như bà, từ những góc quán hàng đầy thương nhớ, thì biết bao giờ nỗi niềm mong đợi và hoa sữa thôi rơi!

Theo Reatimes

0

Bình luận

Nội dung thông báo