Hoài Thương

Hoài Thương

Tết rồi... Tết lại độc đáo ở Xứ Thanh

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán ít ngày, nhiều địa phương tại Thanh Hoá có tập tục ăn Tết lại trong vòng một ngày và người dân cũng chuẩn bị cúng lễ, gói bánh chưng như Tết cổ truyền.

Tục ăn Tết lại ngày 13 tháng Giêng của người dân phố biển Sầm Sơn

Mặc dù không kéo dài 3-4 ngày như Tết Nguyên Đán của cả nước nhưng trong ngày này, người dân thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) cũng tổ chức cúng bái tổ tiên, ăn uống linh đình không kém gì ngày mùng 1 Tết cổ truyền. 

Nhiều gia đình giữ nét truyền thống gói bánh chưng vào ngày ăn Tết lại

Theo nhiều người dân chia sẻ, không biết từ bao giờ có tập tục này. Tuy nhiên, theo nhiều cụ cao niên, từ thời xa xưa, khi vua đánh thắng giặc vào dịp Tết. Dân làng vì thương binh lính đi đánh giặc xa nhà không được ăn Tết nên đã tổ chức ăn Tết lại diễn ra trong vòng một ngày.

Cũng kể từ đó, hằng năm, tại Sầm Sơn cứ vào ngày 13 tháng Giêng, các gia đình đều làm mâm cơm cúng tổ tiên, quây quần sum họp bên nhau. Mọi người đều tranh thủ để về đón Tết lại như một nét văn hoá truyền thống bao đời.

Chia sẻ với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Xuân (Sầm Sơn, Thanh Hoá) cho biết, không biết tục ăn Tết lại có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra đã có tục lệ này. Trước đây, nhiều gia đình có gói bánh chưng trong ngày Tết lại nhưng trong cuộc sống hiện đại như hiện nay thì hoạt động này có phần thuyên giảm. 

Mặc dù, tục ăn Tết lại chỉ tổ chức trong một ngày nhưng nhiều gia đình vẫn có bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên và gia đình quầy quần bên nhau trong những ngày đầu năm mới. Chính vì thế, tại đây, sau ngày 13 Tết lại thì mới cảm nhận hết không khí Tết.

Về Cầu Lộc ăn Tết lại to hơn Tết cổ truyền

Các gia đình đều chuẩn bị mâm cúng gia tiên trong ngày Tết lại tại Thanh Hoá

Hàng năm, đến ngày 1/2 Âm lịch, người dân làng Thiều, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa có tục ăn Tết lại to hơn Tết cổ truyền. Theo những vị cao niên trong làng Thiều kể lại, tục lệ ăn Tết lại có từ thời nhà Lê. Khi đó, một vị tướng công tài thao lược quân sự là người con của làng có tên là Lê Phúc Đồng. Ông được triều đình cử đem quân đi đánh giặc Ân xâm lược bờ cõi nước ta ở cửa biển Thần Phù.

Khi đoàn quân của ông vượt qua sông Mã, đến đoạn sông Lèn (một nhánh đổ ra biển của sông Mã), qua chân núi Thiều, thì thuyền bị mắc cạn. Tướng quân đã cho quân lính nghỉ chân ngay dưới bến của làng. Khi lên bờ dạo chơi, tướng quân gặp cái miếu nhỏ nằm dưới chân núi Thiều, liền thắp nhang khấn xin cho đoàn quân được thuận buồn xuôi gió, đánh thắng giặc Ân.

Thắp nhang xong trở lại thuyền thì bất ngờ thấy thuyền đang mắc cạn bỗng xuôi dòng tiến thẳng về phía quân giặc. Trận đó đội quân của ông đại thắng. Trên đường trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân ghé vào làng Thiều làm lễ tạ ơn và mở hội cho dân làng ăn mừng chiến công. Người dân làng Thiều mở hội ăn mừng ngày 26 tháng Chạp hàng năm nên nơi đây có phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày này.

Đến ngày 1/2 Âm lịch, sau Tết Nguyên đán 1 tháng, tướng công Lê Phúc Đồng xin dân làng được làm Tết lại tạ ơn dân dân làng Thiều để trở về cung. Làng chấp thuận mở hội mừng tổ chức ăn Tết. Chính vì thế người dân làng Thiều ăn Tết lại to hơn cả Tết Nguyên đán.

Ngày Tết lại của người dân làng Thiều được tổ chức rất lớn. Khác với Tết cổ truyền là gói bánh chưng, ngày Tết lại người người làm bánh dày.

Các lễ chính trong ngày Tết lại được tổ chức trong một ngày. Từ sáng, dân làng tổ chức lễ rước kiệu từ đình làng đến các chùa và miếu xung quanh làng; cuối cùng quay về đình chính nằm giữa làng để làm các lễ tế thành hoàng làng, dâng lễ vật báo công, lễ tế nữ quan.

Ngoài ra, vào mùng 7 và mùng 9 tháng Giêng Âm lịch, người dân tại các làng thuộc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) cũng tưng bừng tổ chức ăn tết lại. 

Tết lại là phong tục riêng có ở một số địa phương. Tục ăn tết lại ở Xứ Thanh là một phong tục độc đáo với nét đặc trưng văn hóa riêng đã góp phần tạo nên những sắc thái văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh tết của Việt Nam.


Theo Công luận

0

Bình luận

Nội dung thông báo