Như Quỳnh

Như Quỳnh

Làn sóng trả mặt bằng lan rộng ở các chung cư, tòa cao ốc Hà Nội

Hàng loạt đơn vị kinh doanh đã và đang “tháo chạy”, trả mặt bằng tại các tòa chung cư.

Dù nhiều hoạt động đã được khôi phục trở lại sau thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh sản xuất, ăn uống, văn phòng tại các tòa chung cư vẫn trong tình trạng ảm đạm. 

Hàng loạt đơn vị đã và đang “tháo chạy” khỏi các tòa chung cư.

Khảo sát của phóng viên trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), nhiều tòa nhà văn phòng mới xây dựng nhưng đã treo biển cho thuê từ đầu năm đến nay vẫn không có khách thuê.

Chứng kiến cảnh các chủ kinh doanh lần lượt “tháo chạy”, trả mặt bằng từ đầu năm đến nay tại tòa nhà Artemis Lê Trọng Tấn, ông T. (bảo vệ một khu văn phòng tại tầng 1) cho biết: “Cứ vài bữa lại thấy một đơn vị chuyển đi. Đến nay, hơn một nửa tầng một của chung cư đang treo biển cho thuê".

Theo ông T., trước đó, chung cư này là địa điểm thu hút được nhiều thương hiệu lớn như cà phê, chuỗi ăn nhanh, thời trang… vô cùng sầm uất, nhộn nhịp. Nhưng đợt dịch COVID -19 lần thứ 4 vừa đỡ thì vài thương hiệu cũng thông báo chuẩn bị trả lại mặt bằng để chuyển đi nơi khác vì không chịu nổi giá thuê, nên cả sảnh tầng 1 nhiều lô bị bỏ không”.

Nhiều dãy cửa hàng kinh doanh tầng 1 chung cư đang để trống, bỏ không, bên trong ngổn ngang các vật dụng, đồ dùng nội thất.

Dãy cửa hàng kinh doanh từng một thời sầm uất nay vắng vẻ im lìm, treo biển cho thuê cả năm vẫn không có khách. Bà Vũ Thị Lợi, một cư dân ở khu vực này chia sẻ: “Tôi ở đây vì tiện lợi. Thiếu cái gì xuống nhà là có. Nay họ rời đi hết, những người già như tôi lại phải đi xa hơn mới mua được hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt. Các cửa hàng cứ lần lượt ra đi, cứ thế này sảnh tầng 1 trống trơn nhìn rất ảm đạm”.

Tương tự, tại các khu vực kinh doanh sầm uất như tổ hợp khu chung cư Linh Đàm (Hoàng Mai), không khó để bắt gặp các tấm biển cho thuê mặt bằng treo kín trước cửa. Thậm chí, có chung cư cả dãy không có một cửa hàng nào hoạt động. 

Chị Nguyễn Thúy Hiền (chủ kinh doanh một cửa hàng thực phẩm sạch) nhận xét, các đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn rất lớn bởi khu vực chung cư dù đông dân nhưng sức mua vẫn khá thấp. Trong khi đó, chi phí mặt bằng lớn nên họ sẽ phải cân nhắc khi kinh doanh tại đây.

Cũng ngay tại khu vực Tây Nam Linh Đàm, nhiều mặt tiền vẫn chưa tìm được chủ mới. Một số vị trí đắc địa, 2 mặt tiền cũng ế ẩm. Đa số các khách thuê còn hoạt động là các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu như nhà thuốc, quán ăn, thực phẩm,…

Theo tìm hiểu, việc các cửa hàng kinh doanh rời đi tại các khu chung cư đang gây áp lực lớn cho chủ cho thuê. Tùy từng vị trí, cơ sở vật chất mà mức giá cho thuê giảm từ 20-30%, thậm chí giảm sâu đến 50%. Ngoài ra, các hình thức hỗ trợ khách hàng khác như giảm giá thuê cả năm, cam kết không tăng giá trong thời gian dài, đóng tiền theo tháng để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ cho thuê.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhận định, BĐS cho thuê đang là phân khúc cực kỳ khó khăn của thị trường. Những khó khăn này không diễn ra ở một thời điểm ngắn mà kéo dài trên diện rộng và chưa thể đánh giá được khả năng phục hồi vì nó phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia BĐS cũng cho rằng, làn sóng COVID -19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan mạnh khiến các đợt giãn cách xã hội liên tiếp kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng, doanh nghiệp và người lao động vì thế mà lao đao. Nhiều trường hợp chưa kịp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động từ 3 làn sóng COVID -19 trước thì đã có thêm làn sóng mới, việc này khiến kinh doanh đình trệ, khách thuê phải trả mặt bằng thuê, người lao động rời thành phố về quê tạm lánh dịch.

Theo Lao động

0

Bình luận

Nội dung thông báo