Mai Lan

Mai Lan

Níu xuân

Tôi cứ nhìn những nắm đào dăm bán sau Tết trên tay người đứng bên hè đường mà ngùi ngùi. Là cuộc khởi đầu của mùa xuân mới đã đi qua rồi sao?

Tôi cứ nhìn những nắm đào dăm bán sau Tết trên tay người đứng bên hè đường mà ngùi ngùi. Là cuộc khởi đầu của mùa xuân mới đã đi qua rồi sao? Tết chẳng phải là cuộc mở màn thiêng nhất, diệu nhất, kỳ nhất, phi thường, phi thực nhất của xuân đó sao? Vậy mà mấy cái ngày “bất bình thường” đó đã trôi qua thật rồi! 

Tâm trạng phổ biến của nhiều người lắm, xưa nay, khi những ngày Tết xuân đã vãn, là bâng khuâng, hơi tiếc nuối một không khí của vui, của chơi, của ăn, của nghỉ ngơi, sum họp và sung túc, đã ở lại sau lưng. Dù cuộc “lên ngôi” đó chỉ trong một quãng thời gian chóng vánh, và như đã “cài đặt” trong lòng người từ mãi xa xưa rồi. Thế nhưng vẫn cứ luyến nhớ, tình người quyến luyến Tết chứ có phải cái máy đâu mà chỉ biết chạy rồi dừng, chạy rồi dừng, cho đến khi rệu rã!

Mà lòng người, như phấp phỏng trước về cuộc rệu rã, tàn phai cuộc đời, nên nhìn Tết qua, xuân trôi đi nữa mà trong tâm trí đã ngẫm ngợi những u hoài. Đó vốn cũng là tâm lý thường thấy trong đời sống này. Cho nên Tết đã qua, mà hoa đào còn phải thắm, tiếng cười, lời chào, câu hỏi thăm còn phải níu kéo, cành lê còn phải mang về dựng sáng một góc nhà, những lọ hoa cúng Nguyên tiêu còn lên hương thơm ngát. Và bánh chưng chưa hết, mâm cỗ cúng rằm còn phải dâng lên, dọn ra, chén rượu ngọt cay trong ẩm nồm gió lạnh còn râm ran gọi lại ký ức bồi hồi của những ngày Tết vừa ngay đây thôi!

Tết đã qua, mà hoa đào còn phải thắm... (Ảnh minh họa: Internet)

Tôi không dám cổ xúy cho sự thèm thuồng ăn chơi dông dài suốt tháng Giêng, lân la sang cả mùa hội vòng quanh ba tháng xuân mà vốn đã trở nên cuộc va chạm quan điểm hàng thập kỷ qua với “tinh thần văn minh” thúc giục con người ta nghỉ Tết xong hãy tập trung lao động sản xuất. Mà chỉ liên tưởng thêm một chút về nỗi mong tiếc xuân Tết, sự trẻ trung, hương sắc có khi là ở sẵn trong mỗi cá thể chúng ta. Những trăm năm trước, Nguyễn Trãi viết câu thơ tiếc thanh xuân mà cầm đuốc đi chơi đêm khiến ta hôm nay vẫn thấy nôn nao. Con người ấy đã ngủ yên từ mãi lâu lắm rồi, mà sao nỗi thương cảm tuổi đời vẫn còn mọc lên như cỏ mới.

Hôm nọ đây thôi, lên núi Ba Vì chơi, bước vào trong sương lạnh. Thoảng loãng đi một chốc, giữa vùng lá rừng ven đường ẩm ướt, hiện lên trước mắt tôi phong thư tình của Người! Rừng nguyên sinh vừa khéo cuốn đọt chuối non ấy vươn thẳng lên, thanh thanh dài, xanh nõn. Hay Nguyễn Trãi trong gió đầu năm xốn xang tuổi tác trung niên, vừa đi qua đây mà khẽ khàng gửi lại. Thế nên ta mới bật ra niềm thương nhưng nhức tủi hờn khi đọc đến những câu này của Người, từ miền thôn dã dặm trường thầm gửi về người thương Thị Lộ đang giúp vua lo việc dạy dỗ cung tần nơi cung cấm: “Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng/ Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng/ Ngoài ấy dù còn áo lẻ/ Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng”.

Tình xuân nồng nàn, làm sao có thể phai tàn, dù con người ta có đi đến quãng đầu râu tóc bạc! Ấy là nỗi niềm tươi trẻ rớm máu muôn thuở trong lòng ta. Và bậc tướng công đêm động phòng cùng thiếu nữ, vẫn tự tin mà khẳng định một điều chắc nịch như đinh vừa đóng, ấy là năm mươi năm trước ta mới có hăm ba thôi nàng ạ! Thực ra cảm hứng trong câu ấy không phải là kể cùng người thương về quá khứ trẻ trung. Mà ngay lúc này đây, ở chốn loan phòng này, ta vẫn còn “hăm ba” như thế! Níu xuân bằng cả sự chuyển đổi sinh lực tráng kiện thuở ấy về đắm say hiện tại, “cây thông Nguyễn Công Trứ” thực đã dựng lên một cảm hứng mãnh liệt.

Cành lê còn phải mang về dựng sáng một góc nhà... (Ảnh: Quốc Phú)

Nhớ lại mà ngẫm tuổi xuân đã bay xa, tin mình còn đang “xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự/ Tôi đều nhận thấy trên môi em” như trong thơ Hàn Mạc Tử, thì cũng có cả lúc đương thì mà tiếc trước tương lai mai một nên phải hối thúc mình, hối thúc nhau mau hưởng niềm xuân trẻ ấy. Không riêng đến khi Xuân Diệu thảng thốt kêu lên xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già nên muốn ôm lấy mọi thứ trên đời tươi mơn mởn, mà từ thuở nào, quan họ người ta đã hát: “Tính toán làm chi/ Tính toán nữa làm gì/ Có yêu nhau thì lấy quách nhau đi/ Kẻo mai quá lứa lỡ thì/ Lại bảo là tại tôi”. Đấy, ngày xưa các cụ đã bảo nhau như thế, níu lấy xuân ngay từ lúc đương thì đây này. Nếu đi hết được con đường hồng hào tươi nở như thế, thì sau này tóc bạc da mồi cũng không đến nỗi có điều gì phải tủi hờn, oán trách. Và Hoàng Cầm, một con người thắm thiết niềm luyến ái, đã sống thật tiếc xuân, bám níu thanh xuân trong cả nhiều tình huống đời sống lẫn thơ ca của mình. Ông viết trong bài “Cây tam cúc”: “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”

Vậy mà: “Năm sau giặc giữa/ Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới chị võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo em gọi đôi”. Thực tế có mấy khi nào cho ta được thỏa nguyện. Con người ta còn phải mang theo mãi xót đau, thương cảm vì nghịch cảnh về sự trôi đi, vắng xa đã sớm mang từ thuở đầu xanh. Cũng như là khi hết Tết đấy, ta còn mong còn thêm chút gì từ những nhành hoa sót lại. Ta không muốn nhìn thấy những ruộng đào người ta cưa đi chỉ còn cụt lủn chút thân gốc nhô lên thấp gần mặt đất, đợi mãi đến tận xuân sau là khi nào xa lăm lắm! 

Bắt đầu chơi hội, ấy là một cái Tết lại, Tết lần nữa của làng thôn quê hương sau cái Tết chung lớn lao, vĩ đại của cả non nước. (Ảnh minh họa: Trọng Chính)

Và người ta bắt đầu chơi hội. Ấy là một cái Tết lại, Tết lần nữa của làng thôn quê hương sau cái Tết chung lớn lao, vĩ đại của cả non nước. Nói thế này nữa thực ra cũng không phải là bênh bà con quên việc mà vui hội. Đó là nếu bảo cả tháng xuân có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, vui hội để mà hết cả làm ăn à, như thế là chưa chuẩn. Vì có bao nhiêu là làng mạc, mỗi làng có ngày hội của làng ấy thôi, chứ đâu đủ sức lực, bạc tiền mà nay vui hội làng mình rồi mai chơi hội làng bên, mốt đi lượn hội vùng này, chốn nọ. 

Và thế là hội mở, người làng soạn lễ dâng lên miếu phủ đình chùa, sắp cỗ thắp hương gia tiên, bày mâm bát vui trẻ già ông bà con cháu, đón khách đón bạn về chơi. Lời chào khách xa ghé thăm dưới mái hiên nhà bừng nắng hay vẫn lất phất mưa bụi lành lạnh bay, lại được mở bằng câu chúc đầu xuân năm sớm mạnh khỏe, phát đạt, lộc tài. Thực sự là một cái Tết nữa dù rằng dạng thức, kiểu cách nó cũng phải khác đi chứ! Nhưng mà, lại tắm táp tâm hồn trong thành kính, trong sum vầy, gặp gỡ, no đủ và ước cầu gặt hái những sướng vui ở thì tương lai. Không gian, âm thanh, chuyển động của mùa xuân lại vì thế mà hiển hiện trong bao dáng nét cuộc sống con người.

Tôi có dịp quen nhà giáo Đoàn Thịnh nhà ở phố Lò Đúc, Hà Nội nhân một dịp về làng Hữu Thanh Oai ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai tìm hiểu về cụ Đoàn Triển, một vị quan có tiếng canh tân cuối thời Nguyễn. Bác Thịnh thuộc lớp cháu nhiều đời, tâm huyết với nhiệm vụ kể lại cho lớp người sau về công sức đáng lưu truyền của cụ Đoàn Triển. Một hôm ra ngoài Tết, ông gọi: Ít hôm nữa là hội làng tôi, về chơi nhé! 

Làng Hữu, tôi đã qua lại nhiều nhưng đều là ngày thường. Bây giờ là hội, trên con đường nhỏ uốn lượn ven sông Nhuệ, rực sáng lên những sắc màu của đoàn rước. Sắc đỏ, vàng chủ đạo và lấp lánh trang kim của đội khênh kiệu với những ông tướng cầm cờ lệnh đi trước, nối theo là đội sinh tiền vừa đi vừa múa nhịp nhàng. Đủ các màu áo dài xanh, hồng, đỏ, tím… của các bà các cô mang mâm lễ trên vai, đội tráp son đặt lễ trên đầu đi theo sau. Cổng nhiều các nhà ven đường mở toang, người đứng dưới cổng vái sau những ban thờ bừng lên các màu hoa quả, xôi bánh… dâng đón kiệu thành hoàng đi qua. Bừng lên cả một không gian đằm thắm, vui tươi, trân quý ngày hội, ngày Tết của cả làng.

Nhà giáo Đoàn Thịnh bước chậm theo nhịp trống trong hàng các cụ rước cờ. Ông chỉn chu trong chiếc áo thụng xanh, tay nghiêm ngắn nâng cán cờ ngũ sắc, nét mặt tươi tắn, thoáng đãng. Trong niềm cảm động được là một phần nhỏ dệt nên muôn màu nghi lễ của xuân Tết quê hương bản quán, không biết nhà giáo lão thành đang nghĩ gì thêm, ông có nhìn đoàn các cháu múa sinh tiền ở đằng trước mà dịu lòng hoài niệm về ấu thơ, trai trẻ. 

Nếu Tết Nguyên đán là từng ngày hội mang đậm chất gia đình, họ mạc, với cuộc sum họp đầm ấm sau bao cách xa; cùng những nhịp nhàng, nghiêm ngắn giao đãi, giao cảm trong mối quan hệ máu thịt cửa nhà, thân thiết họ hàng, bằng hữu; thì phải chăng hội hè làng quê thôn xóm là cái Tết thăng hoa của cả một cộng đồng. Và ở đó, mùa xuân chung của làng xã hiện lên vững mạnh, tươi non hơn mọi thời khắc khác trong năm. Mùa xuân bay lên trong những gì ta nhìn thấy của kiệu xoay, vải cờ tung lên trong gió, của những sắc hoa, màu áo lũ lượt, của tiếng trống rung rạo rực và khấn lễ nhịp nhàng, cùng những trò chơi dân gian cứ kéo dài như không muốn dừng lại. Mùa xuân bay lên và thấm thía trong những gì không thấy nhưng cảm được, là suy nghĩ hồn hậu, mến thương của lòng người giữa hội, đang ngắm nghía cộng đồng mình, quê hương mình xoay xoay trong cuộc sum họp lớn của những xóm thôn, làng xã; của sinh hoạt gia đình với nghi lễ đình miếu; của ước vọng riêng tư hòa trong nguyện vọng chung cả một vùng đất; và của những con người với… thần thánh.

Phải chăng hội hè làng quê thôn xóm là cái Tết thăng hoa của cả một cộng đồng... (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

 Đến đây, đã muốn dừng mạch chữ. Nhưng tôi bỗng cảm thấy một điều thật đặc biệt. Đó là các lễ hội làng thường được mở vào kỵ nhật, tức là ngày mất, ngày giỗ, dân ta hay cung kính gọi là ngày hóa của các vị thành hoàng. Lễ hội là dịp hằng năm tưởng nhớ, tôn vinh công trạng của các bậc nhân thần, các vị thánh, các danh nhân ấy. Nhưng phủ trùm, nào đâu có phải là một không khí tưởng niệm hùng hồn, một tình cảm tiếc thương thống thiết. Mà ngày hóa của các ngài ấy, trở nên một dịp cho người làng phấn khởi, vui tươi, gặp gỡ giao tình thắm đượm. Tất nhiên là không vui như một sự vô tâm, chơi bời xả láng rồi. Mà phải có lệ có lề, có quy định chung của làng xã. Thần tích, công lao của đức thành hoàng được đưa ra ôn lại, từ khi phát tích, ấu thơ cho đến những câu chuyện hoa niên và những nỗ lực đến quên mình sau này dâng hiến cho đất đai, con người quê hương, cho cả triều đình, đất nước, như là diệt thủy quái, hổ dữ, như chống ngoại xâm, như là trị thủy, như dạy dân cấy trồng, canh cửi, phù trợ cho nhiều thế hệ sau này… Những câu chuyện phi thường về những đấng bậc được nhắc đến, để tôn vinh các ngài ở trạng thái mạnh mẽ, oai nghiêm nhất. Và, để ý mà xem nhé, các nghi thức, các phần lễ, những hoạt động vui chơi, ca hát... bừng lên ở hội hè chúng ta, đã được cho rằng, chính là để dâng lên các ngài trong dịp lễ trọng này, mời các ngài thưởng lãm. Thực sự là một cuộc vui sum họp diệu kỳ mà cuộc sống thông thường bỗng nhuộm bao sắc màu huyền thoại. Và chúng ta, mỗi người trần, người thường, có mặt vào trong đó, cũng chính là một dịp nạp lại, nạp thêm năng lượng thiêng liêng cho trái tim mình, cho những tháng ngày làm lụng mưu sinh phía trước.

Ngày Tết, mùa xuân, theo như thế, đến với ta, ở lại trong ta như dài hơn. Sẽ không còn ở thời gian tuyến tính, ở những đong đếm định lượng. Mà trở nên văn hóa, ở trong tình cảm, tâm hồn.       

Đang là mùa hội. Tôi đi qua các làng quê bừng lên màu xuân náo nức, nhìn đất đai như trẻ lại. Và ở ngoài bốn mươi, tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về tuổi trẻ của mình./.

Theo Reatimes

0

Bình luận

Nội dung thông báo