Đức Chiến

Đức Chiến

Phương án đi lại, làm việc ở TP.HCM sau 30/9 dự kiến sẽ thế nào?

Một tín hiệu đáng mừng ở TP.HCM là số quận/huyện cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 ngày càng tăng.

Cùng với đó số lượng F0 tại nhà khỏi nhiều, số ca bệnh nặng trong các bệnh viện, trung tâm hồi sức giảm mạnh tỷ lệ tử vong. Nhiều cơ quan trên địa bàn đã chuẩn bị phương án cho các hoạt động sau ngày 30/9.

Ưu tiên vận tải hàng hóa thiết yếu

Các phương án về lĩnh vực vận tải được nhiều người mong đợi nhất. Sở GTVT TP.HCM đã chính thức có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn lấy ý kiến về dự thảo các phương án hoạt động sau ngày 30/9. Vận tải hàng hóa thiết yếu sẽ được ưu tiên. Nguyên tắc chung là người ngồi trên xe phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ đúng quy định 5K.

Sẽ nới lỏng hoạt động giao thông sau 30/9.

Đặc biệt, khi tham gia lưu thông phải truy cập địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) để khai báo lịch trình nhằm kiểm soát tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với vận tải bằng xe ôtô, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo dự thảo kế hoạch hoạt động lại lĩnh vực giao thông ở TP.HCM thì sẽ phân chia cụ thể ra 3 khu vực:

- Khu vực phong tỏa;

- Khu vực nguy cơ;

- Khu vực bình thường mới.

Đối với khu phong tỏa: Cho phép hoạt động các loại xe công vụ, xe chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực; thực phẩm, gas; dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế; điện, nước; xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị; xe tang lễ; xe vận chuyển (có giấy phép), nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người kết thúc thời gian cách ly, người bệnh COVID-19, người xuất viện về nơi cư trú.

Doanh nghiệp hoạt động phải gắn với phòng, chống dịch.

Đối với khu vực nguy cơ: Bên cạnh các xe được phép hoạt động tại khu vực phong tỏa, bổ sung thêm lực lượng shipper, xe chở hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh.

Xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa. Xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động.

Khu vực bình thường mới: Ngoài các loại xe được phép đi lại tại khu vực nguy cơ thì còn có thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy.

Tạo điều kiện cho lao động trở lại làm việc, tăng bao phủ vaccine

Với số lượng doanh nghiệp nhiều, TP.HCM cũng đã dự thảo kế hoạch đón công nhân, lao động trở lại làm việc. Mục tiêu là tạo điều kiện cho lao động nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.

Cụ thể như: Xe đưa rước công nhân, chuyên gia phải đảm bảo người trên xe đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực theo quy định. Việc các doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo tính an toàn. An toàn tới đâu mở rộng sản xuất tới đó.

Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine.

Cùng với các kế hoạch hoạt động trong lĩnh vực vận tải, sản xuất thì TP.HCM cũng đẩy mạnh bao phủ vaccine mũi 2. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đến nay, các quận huyện tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. Riêng trong ngày 24/9, thành phố tiêm thêm được 131.005 người. Tính đến hết ngày 24/9, đã tiêm tổng cộng được 9.199.793 mũi tiêm, trong đó có 6.801.994 mũi 1 và 2.397.799 mũi 2.

TP.HCM cũng hỗ trợ tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ lao động, công nhân và giúp doanh nghiệp xây dựng các phương án gắn sản xuất với phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo suckhoedoisong

0

Bình luận

Nội dung thông báo